Chương trình quản lý giáo dục mầm non là gì? Các phương pháp quản lý giáo dục mầm non hiệu quả

Công việc đầu tiên để chuẩn bị cho con bước vào ngôi trường mầm non mà cha mẹ ưu tiên nhất đó là phải xem xét xem chương trình giáo dục mầm non ở đó như thế nào và phương pháp giảng dạy có phù hợp với con hay không. Vậy, để giúp cha mẹ có thêm kiến thức và bắt kịp các phương pháp giáo dục mầm non hiệu quả đang được áp dụng nhiều trong chương trình giáo dục hiện nay, cha mẹ hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1. Một số khái niệm về giáo dục mầm non

1.1. Giáo dục mầm non là gì?

giao duc mam non la gi

Giáo dục mầm non là quá trình giáo dục và chăm sóc trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi, là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân tạo tiền đề cho sự phát triển sau này của trẻ. Giáo dục mầm non tập trung vào việc phát triển toàn diện cho trẻ như: thể chất, tinh thần, tình cảm, thẩm mỹ và trí tuệ. Ngoài ra còn nhấn mạnh vào việc giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội, tự tin và độc lập trong quá trình học tập và tương tác xã hội.

1.2. Quản lý giáo dục mầm non là gì?

quan ly giao duc mam non la gi

Quản lý giáo dục mầm non là quá trình tổ chức, điều hành, quản lý và giám sát các hoạt động giáo dục trong các trường mầm non. Quản lý giáo dục mầm non bao gồm các nhiệm vụ như tuyển dụng giáo viên và nhân viên, quản lý tài chính, thiết kế và triển khai chương trình giảng dạy, giám sát hoạt động giáo dục và đánh giá hiệu quả của chương trình giáo dục. Đây là công việc đòi hỏi người quản lý phải có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm để có thể dễ dàng ứng phó, xử lý các tình huống gặp phải.

1.3. Chương trình giáo dục mầm non là gì?

chuong trinh giao duc mam non la gi

Theo Thông Tư số 01/VBHN-BGDĐT:

Chương trình giáo dục mầm non là chương trình chung, có tính chất mở, thể hiện mục tiêu giáo dục mầm non, quy định các yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục mầm non và đánh giá sự phát triển của trẻ, làm căn cứ cho việc quản lí, chỉ đạo và tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở tất cả các cơ sở giáo dục mầm non trên phạm vi cả nước; đồng thời là cam kết của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng cho cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục mầm non.

1.4. Mục tiêu của chương trình giáo dục mầm non là gì

phat trien tham my

1.4.1. Phát triển thể chất

Trẻ mầm non được vui chơi và trải nghiệm các hoạt động trong chương trình giáo dục mầm non giúp cho chúng phát triển khỏe mạnh về thể chất. Những hoạt động phát triển thể chất dành cho trẻ trong trường mầm non có thể là những hoạt động trong lớp học như tập thể dục buổi sáng hay các trò chơi vận động kết hợp với các dụng cụ hỗ trợ, các hoạt động ngoại khóa hay những buổi học bên ngoài trường để trẻ được rèn luyện nhiều hơn.

1.4.2. Phát triển nhận thức

Trẻ được học tập trong môi trường mới, được tự do khám phá, tiếp xúc với nhiều người từ đó hình thành những kỹ năng như: quan sát, phán đoán, so sánh, phân loại,… có khả năng nhận biết và giải quyết nhiều vấn đề khác nhau.

1.4.3. Phát triển ngôn ngữ

Trẻ được học các kỹ năng nghe, nói và tìm hiểu sơ lược về khái niệm đọc, viết từ những cuộc giao tiếp hằng ngày trên trường hay các phương pháp kích thích trẻ phát biểu. Từ đó trẻ có thể biểu đạt ý muốn, có khả năng nghe và kể lại sự việc.

1.4.4. Phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội

Trẻ được dạy các vấn đề liên quan đến bản thân, có khả năng nhận biết và thể hiện tình cảm với con người, sự vật, hiện tượng xung quanh. Tạo các tình huống giao tiếp ứng xử từ đó hình thành các kỹ năng cơ bản đối với gia đình, bạn bè, thầy cô, người lớn như chào hỏi, quan tâm, chia sẻ,…

1.4.5. Phát triển thẩm mỹ

Các môn học tự do sáng tạo như vẽ, xé dán,… giúp trẻ thoả thích thể hiện hết năng khiếu vốn có của bản thân.

2. Một số phương pháp trong chương trình giáo dục mầm non hiệu quả

2.1. Phương pháp giáo dục mầm non trong chương trình giáo dục

2.1.1. Phương pháp giáo dục đối với nhóm nhà trẻ

phuong phap giao duc mam non trong chuong trinh giao duc

Đây là nhóm gồm các bé từ 3 tháng đến 3 tuổi, nhóm này sẽ áp dụng phù hợp với một số phương pháp sau:

– Phương pháp tác động bằng tình cảm:

  • Giáo viên nên dùng những cử chỉ nhẹ nhàng, thân thiện kết hợp với điệu bộ, nét mặt và lời nói dịu dàng, thương yêu để gây thiện cảm với trẻ, đem lại cho trẻ cảm giác an toàn, tin cậy, thoả mãn nhu cầu giao tiếp, gắn bó, tiếp xúc như được ở gần người thân và môi trường quen thuộc.

– Phương pháp trực quan và minh họa:

  • Phương pháp này kết hợp với các dụng cụ hỗ trợ như vật thật, đồ chơi, tranh ảnh, phim ảnh và hành động mẫu như lời nói và cử chỉ. Trẻ sẽ được quan sát thực tế hơn, tập làm theo để rèn luyện sự nhạy cảm của các giác quan, đáp ứng nhu cầu học hỏi, khám phá và ghi nhận những thông tin từ thế giới bên ngoài.

– Phương pháp thực hành:

  • Thao tác kết hợp với đồ vật: Tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi trong lớp kết hợp với các đồ vật, đồ chơi cho trẻ trực tiếp cầm nắm, sờ và cảm nhận, hay thực hiện các thao tác đóng mở, xếp chồng, xếp cạnh các đồ vật để tiếp nhận thông tin, nhận thức và hình thành các hành vi, kỹ năng. Lưu ý, các hoạt động này phải được thực hiện dưới sự giám sát và hướng dẫn của giáo viên.
  • Trò chơi: Tổ chức cho trẻ tham gia các trò chơi nhẹ nhàng, đơn giản để kích thích trẻ vận động và nói.
  • Luyện tập: Cho trẻ thực hiện lặp đi lặp lại các câu nói, động tác, hành vi, cử chỉ, điệu bộ phù hợp với yêu cầu nội dung giáo dục và hứng thú của trẻ để giúp trẻ cảm thấy quen thuộc và ghi nhớ.

– Phương pháp dùng lời nói:

  • Bao gồm trò chuyện, kể chuyện, giải thích, giáo viên sử dụng giọng điệu diễn cảm, những câu hỏi gợi mở cùng với các ngôn ngữ hình thể phù hợp nhằm khuyến khích trẻ tập nói, tập giao tiếp, biết bộc lộ cảm xúc, ý muốn dựa trên lời nói và hành động cụ thể với những người xung quanh.

– Phương pháp đánh giá nêu gương:

  • Đối với những lời nói, hành động đúng của trẻ giáo viên phải khen ngợi, nêu gương, tỏ thái độ đồng tình, ủng hộ và khích lệ trẻ. Ngược lại, đối với những lời nói, hành động không đúng giáo viên nên biểu hiện không đồng tình, sử dụng những lời nhắc nhở, chỉ bảo nhẹ nhàng, khéo léo.

2.1.2. Phương pháp giáo dục đối với nhóm mẫu giáo

phuong phap giao duc doi voi nhom mau giao

Đây là nhóm gồm các bé từ 3 tuổi đến 6 tuổi, nhóm này sẽ áp dụng phù hợp với một số phương pháp sau:

– Phương pháp thực hành trải nghiệm:

  • Thao tác kết hợp với đồ vật: Tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi trong lớp kết hợp với các đồ vật, đồ chơi. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên trẻ sẽ trực tiếp cầm nắm, sờ và cảm nhận, hay thực hiện các thao tác đóng mở, xếp chồng, xếp cạnh các đồ vật , xâu vào nhau,… từ đó phát triển các giác quan và rèn luyện sự sáng tạo, tư duy.
  • Trò chơi: Tổ chức cho trẻ tham gia các trò chơi đơn giản, phù hợp để kích thích trẻ hứng thú tự giác tham gia, hoạt động tích cực và giải quyết nhiệm vụ.
  • Luyện tập: Cho trẻ thực hiện lặp đi lặp lại các câu nói, động tác, cử chỉ, điệu bộ phù hợp với yêu cầu nội dung giáo dục và hứng thú của trẻ để giúp trẻ ghi nhớ.
  • Nêu tình huống và giải quyết: Nêu lên các tình huống phù hợp với khả năng xử lý của trẻ nhằm kích thích trẻ tìm tòi, vận động suy nghĩ và tập đưa ra phương pháp giải quyết.

– Phương pháp trực quan và minh hoạ:

  • Ở phương pháp này trẻ sẽ trực tiếp quan sát, tiếp xúc với các đối tương như vật thật, đồ chơi, tranh ảnh, các hành động mẫu, hình ảnh tự nhiên, mô hình mô phỏng, sơ đồ và các phương tiện nghe nhìn, tạo điều kiện cho trẻ sử dụng kết hợp các giác quan và lời nói để tăng cường vốn hiểu biết, tư duy và ngôn ngữ.

– Phương pháp dùng lời nói:

  • Bao gồm trò chuyện, kể chuyện, giải thích, nhằm khuyến khích trẻ tập giao tiếp, biết bộc lộ cảm xúc, ý muốn dựa trên lời nói và hành động cụ thể với những người xung quanh.

– Phương pháp giáo dục bằng tình cảm và khích lệ:

  • Khuyến khích và ủng hộ trẻ hoạt động nhằm khơi gợi niềm vui, niềm tin, cổ vũ cho sự cố gắng của trẻ.

– Phương pháp nêu gương và đánh giá:

  • Nêu gương: Khen chê đúng lúc, đúng chỗ, khuyến khích biểu dương trẻ nhưng không lạm dụng.
  • Đánh giá: Biểu hiện thái độ đồng tình hoặc chưa đồng tình của người lớn, của bạn bè trước những việc làm của trẻ. Từ đó nêu lên những nhận xét cụ thể cho từng tình huống, hoàn cảnh. Tuyệt đối không sử dụng các hình phạt làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

2.2. Phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến trên thế giới được áp dụng nhiều hiện nay

phuong phap giao duc mam non tien tien tren the gioi duoc ap dung nhieu hien nay

2.2.1. Phương pháp Montessori

Phương pháp Montessori là phương pháp giáo dục được đặt theo tên của người sáng lập là một chuyên gia người Ý trong lĩnh vực triết học, nhân văn học, giáo dục học – bà Maria Montessori. Đây là phương pháp lấy khả năng tự học của các bé làm cơ sở giáo dục chính. Mục đích của phương pháp Montessori là hỗ trợ trẻ phát huy tiềm năng của mình bằng cách cho trẻ tự do khám phá một môi trường được thiết kế để đáp ứng nhu cầu học tập cá nhân và phát triển của trẻ, đồng thời cho phép trẻ tự lựa chọn việc học của mình.

2.2.2. Phương pháp Steam

Phương pháp STEAM là một lộ trình giáo dục thú vị và hấp dẫn bao gồm năm lĩnh vực học tập chính Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (Nghệ thuật), Mathematics (Toán học) cho học sinh mầm non. Phương pháp này được thiết kế để cung cấp cho trẻ cơ hội học tập kết hợp các hoạt động thực hành thú vị hỗ trợ cho sự phát triển cơ bản của trẻ. Sự cân bằng giữa giáo dục và vui chơi trong phương pháp STEAM sẽ kích thích trí óc trẻ đặt câu hỏi, thử những điều mới, tương tác với bạn bè đồng trang lứa và khám phá thế giới xung quanh một cách tự nhiên.

2.2.3. Phương pháp Reggio Emilia

Phương pháp Reggio Emilia được phát triển bởi Loris Malaguzzi là một triết lý giáo dục tập trung vào giáo dục mầm non và tiểu học. Đây là phương pháp giáo dục sớm áp dụng cho lứa tuổi mầm non giúp trẻ phát triển kỹ năng toàn diện. Phương pháp giáo dục mầm non này nhấn mạnh vào sự tò mò và mong muốn học hỏi, khám phá thế giới xung quanh của trẻ. Giáo viên khuyến khích trẻ khám phá, sáng tạo và thử nghiệm để học những điều mới nhằm thúc đẩy sự phát triển các kỹ năng xã hội và khả năng giải quyết vấn đề sáng tạo của trẻ em thông qua các trải nghiệm thực tế trong lớp học.

Giáo dục mầm non là cơ sở cho sự phát triển tương lai sau này của trẻ về thể chất, trí tuệ và tâm sinh lý. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp cha mẹ có thêm những thông tin hữu ích, góp phần chắc chắn cho sự lựa chọn chương trình học và phương pháp học phù hợp với con em mình.

Xem thêm:

Đánh giá

Viết đánh giá

load