Nhiều đại học dự kiến mở 6-8 ngành, chương trình mới

Đại học Phenikaa, Công nghệ TP HCM, Kinh tế quốc dân hay BUV hiện là những trường dự kiến mở mới nhiều ngành và chương trình đào tạo nhất.

Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) năm nay tuyển gần 9.900 sinh viên cho 48 ngành và chương trình đào tạo, tăng hơn 2.200 chỉ tiêu và 8 ngành, chương trình so với năm ngoái.

Các ngành và chương trình đào tạo dự kiến tuyển mới gồm Kỹ thuật điện tử – viễn thông (chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn), An toàn thông tin (Một số học phần chuyên ngành học bằng tiếng Anh), Trí tuệ nhân tạo, Marketing, Công nghệ tài chính, Kỹ thuật hình ảnh y học, Quản lý bệnh viện và Y học cổ truyền.

Trường sử dụng 4 phương thức, gồm xét tuyển thẳng theo đề án riêng (với học sinh có giải cấp tỉnh, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ quốc tế…), xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ và kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Chỉ tiêu, học phí dự kiến các ngành và chương trình đào tạo mới của Đại học Phenikaa:

Trường Đại học Công nghệ TP HCM (Hutech) dự kiến tuyển sinh 12.500 sinh viên cho 63 ngành, trong đó 7 ngành mới: Trí tuệ nhân tạo, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Công nghệ tài chính, Kinh tế số, Công nghệ thẩm mỹ.

Trường này sử dụng bốn phương thức, gồm xét điểm thi tốt nghiệp THPT (45% tổng chỉ tiêu), điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP HCM (5%), xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12 hoặc điểm trung bình lớp 11 và học kỳ I lớp 12 (tổng cả hai phương thức xét học bạ là 50%).

Điểm chung của trường Phenikaa và Hutech là mở các ngành mới thuộc các lĩnh vực đang đào tạo, là thế mạnh trong những năm qua.

Đại diện Hutech cho biết những ngành trường dự kiến tuyển sinh lần đầu trong năm 2024 có nhu cầu nhân lực cao, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo và kinh tế số như hiện nay.

Mới nhất, trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến mở 6 ngành mới gồm Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin và Quan hệ lao động.

Trong đó, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo dự kiến tuyển 100 sinh viên mỗi ngành, còn lại 50. Trừ Quan hệ lao động đào tạo cử nhân, 5 ngành còn lại sẽ có cả hệ cử nhân và kỹ sư. Đây là lần đầu tiên trường đào tạo hệ kỹ sư.

Theo nhà trường, việc này nhằm đa dạng, mở rộng ngành đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội và nâng cao vị thế trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trường này dự kiến lên thành đại học vào năm 2025.

Ngoài 6 ngành mới, trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ tuyển 6.200 sinh viên cho 60 ngành và chương trình đào tạo đã tuyển sinh từ năm ngoái. Trường xét tuyển thẳng 2% tổng chỉ tiêu, 18% dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, 80% xét tuyển kết hợp theo đề án riêng, không xét học bạ.

Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) năm nay bổ sung 6 chương trình đào tạo và một chuyên ngành mới, gồm chương trình cử nhân Kinh doanh và Quản lý, Kinh tế và Quản lý, Tài chính và Kế toán, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Đồ họa Game, Truyền thông chuyên nghiệp (Kinh doanh, Sáng tạo, Chiến lược) và chuyên ngành Hoạt hình (thuộc chương trình Ứng dụng sáng tạo đương đại).

Trường này xét tuyển dựa vào thành tích học thuật và năng lực tiếng Anh của học sinh. Nếu ứng tuyển học bổng, học sinh cần có kết quả học tập và tiếng Anh tốt, có bài luận cá nhân bằng tiếng Anh, thư giới thiệu, tương tự khi ứng tuyển vào các đại học ở Anh.

nhieu dai hoc du kien mo 6 8 nganh chuong trinh moi

Một số đại học khác cũng dự kiến mở mới một số ngành và chương trình đào tạo trong năm 2024.

Trường Đại học quốc tế Sài Gòn (SIU) dự kiến tuyển sinh 1.400 sinh viên. Bốn ngành mới của trường là Quan hệ công chúng, Truyền thông đa phương tiện, Công nghệ giáo dục, Công nghệ thông tin (gồm các chuyên ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ thông tin y tế, Thiết kế vi mạch, Thiết kế đồ họa).

Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP HCM tuyển hơn 6.600 sinh cho 36 ngành, trong đó hai ngành dự kiến mở mới là Kinh tế số và Kỹ thuật phần mềm.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội mở hai ngành/chương trình đào tạo mới là An toàn thông tin và Ngôn ngữ Trung Quốc (mô hình liên kết 2+2), nâng tổng số ngành và chương trình đào tạo lên thành 52.

Hàng loạt trường tuyển sinh ngành hoặc chuyên ngành liên quan đến công nghệ vi mạch bán dẫn như trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, một số trường thành viên của Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ, FPT. Việc này nhằm đón đầu nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp vi mạch tại Việt Nam.

Nguồn: vnexpress.net

Đánh giá

Viết đánh giá

load